Theo quy định tại khoản 2 điều 12 của Bộ luật lao động số 45/2019/QH14, người sử dụng lao động có trách nhiệm: Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH).

           Việc định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể tại điều 4 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động như sau:

  1. Báo cáo tình hình thay đổi về lao động:
  • Định kỳ mỗi 06 tháng (trước ngày 05 tháng 06) và hằng năm (trước ngày 05 tháng 12), người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Sở LĐTBXH) thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP và thông báo đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
  • Sở LĐTBXH có trách nhiệm tổng hợp tình hình thay đổi về lao động trong trường hợp người sử dụng lao động gửi báo cáo bằng bản giấy để cập nhật đầy đủ thông tin theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Lưu ý: Mẫu số 01/PLI của NĐ 145/2020/NĐ-CP trên đây thay cho mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH.

  Tải: Mẫu số 01/PLI- Báo cáo tình hình sử dụng lao động (do người sử dụng lao động lập)

2. Cách nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động

a. Nộp trực tuyến: tại cổng DVCQG theo liên kết sau: https://dichvucong.gov.vn/ 

  • Bước 1: Doanh nghiệp truy cập vào cổng DVCQG.
  • Bước 2: Tìm kiếm và Chọn “Thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình sử dụng lao động”.
  • Bước 3: Chọn cơ quan gửi báo cáo lao động đến Sở LĐTBXH hoặc Phòng lao động thương binh xã hội (Phòng LĐTBXH).
  • Bước 4: Doanh ngiệp nhập biểu mẫu khai báo và gửi hồ sơ trên hệ thống BHXH.
  • Bước 5: Cán bộ BHXH xử lý hồ sơ liên quan đến BHXH.
  • Bước 6: Cổng DVCQG lấy dữ liệu Lao động từ hệ thống cơ sở dữ liệu BHXH.
  • Bước 7: Cổng DVCQG tự động gửi báo cáo về hệ thống một cửa của địa phương theo kì báo cáo do Bộ lao động thương binh xã hội quy định.

b. Nộp trực tiếp:

Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng DVCQG thì gửi báo cáo bằng bản giấy theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I đến Sở LĐTBXH và thông báo đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

3.  Mức xử phạt vi phạm:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

  • Không khai trình việc sử dụng lao động theo quy định với Phòng LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;
  • Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện;
  • Theo Điều 7 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (ban hành ngày 01/03/2020, có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, thay thế nghị định 95/2013 và nghị định 88/2015).

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên