Vậy trường hợp doanh nghiệp thuê xe đưa đón nhân viên đi làm thì khoản chi phí thuê xe này có tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người lao động (NLĐ) hay không?

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì chi phí thuê xe do người sử dụng lao động (NSDLĐ) chi trả chính là một khoản lợi ích ngoài tiền lương, tiền công mà NLĐ được hưởng và cụ thể là dưới hình thức các khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón NLĐ từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khoản chi phí này sẽ không tính và thu nhập chịu thuế của NLĐ theo quy chế của đơn vị.

Theo khoản 4 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế TNCN đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh quy định:

“đ.5) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón NLĐ từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ theo quy chế của đơn vị.”

Vậy khoản chi phí mà doanh nghiệp trả khi thuê xe cho NLĐ đi làm việc cho công ty (dù là đưa đón riêng hay đưa đón tập thể) sẽ không tính vào khoản thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ nếu trong quy chế của đơn vị có quy định. 

Chi phí thuê xe cho NLĐ có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Về vấn đề các khoản chi phí thuê xe có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp thì chỉ khi việc chi trả khoản tiền thuê xe đáp ứng được đủ các điều kiện sau đây mới được khấu trừ: 

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. 

Bên cạnh đó doanh nghiệp phải cung cấp các loại hồ sơ để xác định chi phí được trừ trong từng trường hợp sau đây: 

  • Hồ sơ để xác minh chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản trong trường hợp doanh nghiệp thuê ô tô của cá nhân.
  • Hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân trong trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân. 

Như vậy, doanh nghiệp muốn được khấu trừ khoản chi phí thuê xe ô tô cho NLĐ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải đáp ứng được đầy đủ các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ, hồ sơ trong từng trường hợp nêu trên. 

Cá nhân cho doanh nghiệp thuê xe có phải chịu thuế TNCN không?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Thuế TNCN năm 2007 thì việc cá nhân cho thuê xe ô tô là một loại thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, nếu thu nhập của cá nhân cho thuê xe ô tô có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải đối tượng chịu thuế TNCN. 

Bên cạnh đó tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC quy định cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT. 

Các loại thuế nào mà cá nhân phải nộp khi cho thuê xe ô tô?

Khi cá nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì sẽ là đối tượng chịu thuế TNCN và thuế GTGT theo quy định tại Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:

  • Thuế TNCN = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
  • Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT.

Trong đó doanh thu tính thuế TNCN và doanh thu tính thuế GTGT là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô (bao gồm cả các khoản để tính vào thuế TNCN như tiền thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, bồi thường khác) không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

Về tỷ lệ tính thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN trong trường hợp cho thuê xe ô tô đều là 5% theo mục 2 Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC. 

Cá nhân khi cho thuê xe ô tô sẽ khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán (từng lần phát sinh kỳ thanh toán được xác định theo thời điểm bắt đầu thời hạn cho thuê của từng kỳ thanh toán) hoặc khai thuế theo năm dương lịch. Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý. 

Thủ tục nộp thuế của cá nhân cho thuê xe ô tô như thế nào?

Trước tiên, cá nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô sẽ phải chuẩn bị hồ sơ khai thuế bao gồm các thành phần tài liệu sau đây: 

  • Tờ khai thuế đối với hoạt động cho thuê xe ô tô theo Mẫu số 01/TTS ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Phụ lục bảng kê chi tiết hợp đồng cho thuê tài sản (áp dụng đối với cá nhân có hoạt động cho thuê xe ô tô trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế nếu là lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng) theo mẫu số 01-1/BK-TTS ban hành kèm theo Thông tư 40/2021.
  • Bản sao hợp đồng thuê xe ô tô, phụ lục hợp đồng đối với trường hợp là lần đầu khai thuế của hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng.
  • Bản sao Giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp cá nhân cho thuê xe ô tô ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục khai, nộp thuế.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ trên thì người nộp thuế tiến hành nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú. Thời hạn để nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu thời hạn cho thuê của kỳ thanh toán. Còn đối với trường hợp khai thuế một lần theo năm thì nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch tiếp theo. 

Còn về thời hạn nộp thuế đối với cá nhân cho thuê xe ô tô trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế thì thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót. 

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư 111/2013/TT-BTC;
  • Thông tư 92/2015/TT-BTC;
  • Luật Thuế TNCN năm 2007;
  • Thông tư 100/2021/TT-BTC;
  • Thông tư 40/2021/TT-BTC.

 

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên