Có được xuất 02 hóa đơn cho cùng 01 công ty cùng 01 ngày?

Hoàn toàn có quyền xuất 02 hoặc nhiều hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho cùng 01 công ty trong cùng 01 ngày, tuy nhiên, các bên cần lưu ý về giá trị hàng hóa, dịch vụ để xác định hình thức thanh toán tránh việc không được khấu trừ thuế GTGT. Cụ thể, khoản 5 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định:

[…]

5. Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới hai mươi triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Nhà cung cấp là người nộp thuế có mã số thuế, trực tiếp khai và nộp thuế GTGT.

[…]

Đồng thời, theo điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 96/2015/TT-BTC, khoản chi nếu có hoá đơn từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Hợp đồng trên 20 triệu xuất hóa đơn nhiều lần dưới 20 triệu thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản?

Trường hợp giá trị hợp đồng trên 20 triệu đồng nhưng xuất hóa thành nhiều lần dưới 20 triệu đồng thì tất cả các hóa đơn vẫn phải thanh toán bằng chuyển khoản.

Căn cứ theo Công văn số 4131/CT-TTHT ngày 02/6/2014 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn như sau:

“ Trường hợp Tổng Công ty ký hợp đồng mua bán hàng hóa với nhà cung cấp Y có tổng giá trị hàng hóa mua vào là 60 triệu đồng; về nguyên tắc khi xuất giao hàng cho Tổng Công ty (chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu) nhà cung cấp Y phải lập hóa đơn xuất giao cho Tổng Công ty cho toàn bộ giá trị hàng hóa (không phụ thuộc vào thỏa thuận tại hợp đồng thanh toán tiền thành hai đợt khác nhau).

Do đó vào ngày 09/02/2014, Tổng Công ty nhận hóa đơn GTGT là 15 triệu đồng và thanh toán bằng tiền mặt cho nhà cung cấp Y và hôm sau ngày 10/02/2014 nhận hóa đơn còn lại giá trị 45 triệu đồng và Tổng Công ty đã thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng cho nhà cung cấp Y thì chỉ được kê khai khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với hóa đơn có giá trị 45 triệu đồng.”

Hàng bán trả lại có cần xuất hóa đơn không?

Căn cứ khoản 1, Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

Theo quy định nêu trên, khi bên mua hoàn trả hàng hóa cho bên bán thì phải xuất hóa đơn hàng bán trả lại

Xuất hóa đơn trả lại 8% hay 10%?

Căn cứ Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định về giảm thuế giá trị gia tăng như sau:

“Điều 1. Giảm thuế GTGT

1. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.

Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế GTGT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT.

2. Mức giảm thuế GTGT

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.”

Theo quy định nêu trên, từ 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/ 2023, thuế GTGT đối với một số loại hàng hóa được quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP là 8%.

Bên cạnh đó, căn cứ Công văn 313/CTTPHCM-TTHT ngày 11/01/2023 của Cục thuế TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn thuế suất thuế GTGT đối với hàng bán trả lại thì đối với hàng hóa đã mua từ tháng 02/2022 đến tháng 12/2022 (hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT áp dụng là 8%), đến năm 2023 phát sinh trả lại hàng thì hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT là 8%.

Như vậy, nếu trước đó xuất 10% nhưng hiện nay mặt hàng này giảm VAT xuống còn 8% thì sẽ phải xuất hóa đơn với thuế GTGT là 8%.

Căn cứ pháp lý:

  • Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 26/2015/TT-BTC;
  • Thông tư 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư 96/2015/TT-BTC;
  • Công văn số 4131/CT-TTHT;
  • Nghị định 123/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 44/2023/NĐ-CP;
  • Công văn 313/CTTPHCM-TTHT.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên