Theo điểm b khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động (NLĐ) có nghĩa vụ tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (NSDLĐ).

Bên cạnh đó, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên cũng đã phải thỏa thuận rõ ràng về công việc và địa điểm làm việc, cụ thể tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH có quy định:

  • Công việc: những công việc mà NLĐ phải thực hiện;
  • Địa điểm làm việc của NLĐ: địa điểm, phạm vi NLĐ làm công việc theo thỏa thuận; trường hợp NLĐ làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó.

Theo đó, nếu các bên đã có thỏa thuận trước về việc công việc phải đi công tác xa trong hợp đồng lao động thì NLĐ có trách nhiệm phải thực hiện theo đúng thỏa thuận đó.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định NSDLĐ không được sử dụng NLĐ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

  • Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
  • Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được NLĐ đồng ý.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, NLĐ được phép từ chối đi công tác xa đối với trường hợp như trên.

Theo quy định, tại Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được NSDLĐ áp dụng trong trường hợp sau đây:

  • NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
  • NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
  • NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp NLĐ lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động 2019;
  • NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được xem xét là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, trường hợp NLĐ từ chối đi công tác không thuộc các trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Do đó, NSDLĐ không được lấy lý do là NLĐ từ chối đi công tác để ra quyết định sa thải đối với NLĐ đó.

Tuy nhiên, nếu nội dung công việc mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng có tính chất linh hoạt, cần thay đổi nhiều địa điểm khác nhau trong quá trình làm việc thì khi công ty yêu cầu, NLĐ phải thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu từ chối đi công tác, NLĐ có thể bị xem xét là vi phạm nội quy lao động của công ty và căn cứ mức độ vi phạm theo nội quy công ty về xử lý kỷ luật lao động mà NLĐ có thể bị xử lý kỷ luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi sử dụng NLĐ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần cá nhân. (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

Như vậy, trường hợp công ty bắt ép lao động nữ mang thai tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đi công tác xa sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên