1. Thị thực là loại giấy tờ gì?

Theo khoản 11 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (Luật nhập cảnh 2014), thị thực (thường gọi là visa) là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

2. Các trường hợp được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế

 

Người nước ngoài được cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Nhập cảnh, cụ thể như sau:

  1. Xuất phát từ nước không có cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam;
  2. Trước khi đến Việt Nam phải đi qua nhiều nước;
  3. Vào Việt Nam tham quan, du lịch theo chương trình do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại Việt Nam tổ chức;
  4. Thuyền viên nước ngoài đang ở trên tàu neo đậu tại cảng biển Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh qua cửa khẩu khác;
  5. Vào để dự tang lễ thân nhân hoặc thăm người thân đang ốm nặng;
  6. Vào Việt Nam tham gia xử lý sự cố khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc vì lý do đặc biệt khác theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
3. Điều kiện cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế

Cụ thể tại Điều 10 Luật nhập cảnh 2014 quy định về điều kiện cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế như sau:

- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 16a, Điều 16b và khoản 3 Điều 17 Luật nhập cảnh 2014.

- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 Luật nhập cảnh 2014, bao gồm:

  • Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật nhập cảnh 2014.
  • Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
  • Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
  • Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
  • Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
  • Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
  • Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
  • Vì lý do thiên tai.
  • Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

  • Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định Luật đầu tư;
  • Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định Luật Luật sư;
  • Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định Bộ luật Lao động;
  • Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

4. Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam

Các trường hợp được miễn thị thực tại Việt Nam bao gồm:

  • Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
  • Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú theo quy định Luật nhập cảnh.
  • Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
  • Vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
  • Theo quy định tại Điều 13 Luật nhập cảnh.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 (sửa đổi 2019);
  • Luật đầu tư;
  • Luật Luật sư;
  • Bộ luật Lao động.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên