Tại cuộc họp của Ủy ban Xã hội Quốc hội tại TP. HCM, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ phương án: lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 01 lần chỉ được rút phần người lao động (NLĐ) đóng, tức 8% lương.

Ông Dung cho rằng cần tính phương án NLĐ chỉ rút phần mà NLĐ đã đóng vào quỹ BHXH (hưu trí), tức 8%, còn phần của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia.

Trước đó, tại một số cuộc giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội, cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp 01 lần bằng đúng số tiền NLĐ đóng vào quỹ. Phần của NSDLĐ sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi NLĐ tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu trí. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng cách thức chỉ cho người lao động rút BHXH 01 lần phần mình đóng sẽ đem lại tác dụng phụ. Bởi tập tính của đa số công nhân – chiếm số đông trong nhóm lao động rút BHXH 01 lần, an toàn tức là "tiền phải ở trong túi", việc đóng vào quỹ bảo hiểm là khoản tiết kiệm họ có thể rút ra khi cần. Vì vậy mọi thay đổi chính sách liên quan khoản trợ cấp 01 lần đều rất nhạy cảm.

"Tôi chắc rằng thị trường sẽ có khủng hoảng nhất định nếu đề xuất giảm mức hưởng BHXH như trên được thông qua", ông Lộc nói.

Sự xáo trộn có thể chia làm 02 giai đoạn trước và sau khi chính sách có hiệu lực. Đầu tiên, có thể xảy ra làn sóng ồ ạt rút 01 lần, sau đó NLĐ thỏa thuận với NSDLĐ ký các hợp đồng dịch vụ ngắn hạn, nhận hết phần đóng bảo hiểm vào lương. Điều này dẫn đến hệ lụy lao động phi chính thức tăng lên nhanh, khiến mọi nỗ lực xây dựng chính sách an sinh, thu hút lao động vào hệ thống BHXH lâu nay thất bại.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, ông Đoàn Sỹ Lợi, Giám đốc điều hành Công ty giày Chang Shuen ở Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (Bình Dương), có ý kiến rằng: theo quy định, NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Vì vậy việc tách bạch các khoản và giữ lại phần đóng của NSDLĐ trong quỹ hưu trí là không hợp lý.

"Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đóng vào quỹ, không được thụ hưởng, nên việc gán số tiền đó của người sử dụng lao động đóng rồi giữ lại là ngược với quy định pháp luật", ông Lợi nói.

Nhiều năm quản lý doanh nghiệp sản xuất, ông Lợi cho biết thêm: nguyên nhân không hẳn bởi khó khăn trong cuộc sống hiện tại, mà NLĐ lo lắng chính sách thay đổi, lương hưu tính trung bình cả quá trình đóng rất thấp, không đủ duy trì cuộc sống sau này.

"Nhiều người đóng bảo hiểm 19,5 năm còn nghỉ việc để rút một cục. Họ hoàn toàn không nghèo, chỉ là muốn tiền của mình được an toàn nhất", ông Lợi nói. 

Vì thế nếu luật sửa đổi theo hướng giảm mức hưởng BHXH 01 lần, nhiều công nhân sẽ chọn rút trước khi chính sách có hiệu lực, dẫn đến doanh nghiệp đối mặt xáo trộn nhân sự lớn.

Tương tự ý kiến trên, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (Đồng Nai), cho biết phương án giảm mức hưởng BHXH 01 lần, dù phần còn lại được sử dụng như thế nào thì NLĐ vẫn xem đây là chính sách gây bất lợi với bản thân.

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên