Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, “Với việc áp dụng công nghệ hiện nay, Hệ thống Phân tích cơ sở dữ liệu và Quản lý hóa đơn điện tử sẽ phát hiện, truy vết và tìm ra trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn bất hợp pháp.”

 Thưa bà, sau một năm đưa hóa đơn điện tử (HĐĐT) vào áp dụng, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn được kiểm soát như thế nào?

 " Vì hóa đơn được lập trên môi trường điện tử, nên ngay khi giao dịch, hệ thống HĐĐT của CQT ghi nhận giao dịch của người nộp thuế, áp dụng các biện pháp kiểm soát, đối chiếu, phân tích để phát hiện dấu hiệu mua bán hóa đơn. Với việc áp dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Hệ thống Phân tích cơ sở dữ liệu và Quản lý HĐĐT sẽ dễ dàng truy vết và tìm ra trường hợp nghi ngờ mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Việc mua bán hóa đơn bất hợp phát, sử dụng bất hợp phát hóa đơn được phát hiện nhanh hơn so với khi sử dụng hóa đơn giấy."

 Mặc dù hàng loạt vụ mua bán hóa đơn bị phanh phui, nhưng trên mạng xã hội vẫn còn khá nhiều cá nhân rao bán HĐĐT. Thưa bà, vì sao vậy?

  "Trong thời gian vừa qua, thông qua Big Data, AI, ngành thuế đã phát hiện một bộ phận đối tượng thành lập doanh nghiệp, thậm chí thành lập hàng loạt doanh nghiệp không hoạt động sản xuất, kinh doanh chính đáng, mà chỉ nhằm bán hóa đơn, gây thất thoát và chiếm đoạt ngân sách của Nhà nước. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để rà soát, kiểm tra và xử lý.

Tình trạng rao bán HĐĐT trên mạng thời gian vừa qua còn có sự thiếu hiểu biết pháp luật về thuế. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thu mua hàng phế liệu, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng… thu mua hàng hóa của người trực tiếp sản xuất nhỏ hoặc thu mua nhỏ lẻ từ các đầu mối thu gom không có hóa đơn, sau đó tìm mua hóa đơn. Do thiếu hiểu biết về chính sách thuế, các doanh nghiệp này cho rằng, cần phải có hóa đơn mới hợp lý hóa được hàng hóa mua vào, nên họ đi tìm mua HĐĐT trên mạng xã hội, mà không biết rằng, trong những trường hợp như vậy, chỉ cần có bảng kê mua hàng hóa là được.

Bên cạnh đó, tình trạng trên liên quan đến những khoản chi phí có mức khống chế nhất định như chi phí trang phục cho người lao động. Theo quy định, khoản chi trang phục được tính vào chi phí được trừ nếu chi bằng tiền cho người lao động không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm; chi bằng hiện vật cho người lao động thì phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp, thậm chí có cả doanh nghiệp lớn hàng năm đều trích tiền cho nhân viên may đồng phục trên 5 triệu đồng và kế toán doanh nghiệp đã hợp pháp hóa khoản chi vượt quy định bằng HĐĐT mua trên mạng xã hội."

 Như vậy, nhu cầu sử dụng hóa đơn để hợp lý hóa đầu vào hay tiền xuất ra là có và đều là chính đáng?

  "Tôi xin nhắc lại, tất cả hành vi mua bán hóa đơn đều bất hợp pháp và đối với HĐĐT được quản lý bằng Big Data và AI, Cơ quan Thuế (CQT) dễ dàng phát hiện.

Đối với trường hợp mua bán hàng hóa mà người bán không có hóa đơn thì người mua lập bảng kê số lượng hàng hóa mua vào, trị giá hàng hóa, thông tin cơ bản của người bán như địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại đều được coi là hợp pháp và đều được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, được hoàn thuế nếu như xuất khẩu.

Từ bảng kê mua hàng có những nội dung cơ bản của người bán, CQT sẽ tiến hành phân tích rủi ro, áp dụng nghiệp vụ để xác định việc mua bán có thật hay không."

 Thế còn trường hợp doanh nghiệp đã xuất tiền để may quần áo theo chế độ thì sao?

  "Phần chi trang phục bằng tiền vượt mức quy định không được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, mà tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động khi tính thuế thu nhập cá nhân. Do đó, doanh nghiệp muốn chi bằng tiền, thì khoản chi bằng tiền theo đúng định mức được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chi bằng hiện vật, có thể ký hợp đồng với một công ty may mặc để có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hợp lệ. Lúc đó, toàn bộ khoản chi phí bằng hiện vật đều được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, kể cả trường hợp chi vượt quy định."

 Theo bà, làm thế nào để xử lý tận gốc tình trạng bán hóa đơn trên mạng?

  "Để xử lý tận gốc tình trạng bán hóa đơn trên mạng, Tổng cục Thuế đã và đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận các đầu mối, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, website rao bán hóa đơn để xử lý. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật đến mức phải điều tra, truy tố, chúng tôi sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý.

Mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn mua bất hợp pháp là hành vi bất hợp pháp, vi phạm pháp luật đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý thuế. Với việc áp dụng Big Data và AI trong quản lý rủi ro lĩnh vực thuế, các hành vi này sẽ bị phát hiện và xử lý tận gốc."


Ngày 29/07/2023, Tổng cục Thuế có thông cáo cho biết, CQT đang áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn hành vi gian lận hoá đơn. Nhiều vụ án liên quan đến vấn đề này cũng đã được cơ quan công an khởi tố, điều tra.

Cụ thể, theo Tổng cục Thuế, trong thời gian vừa qua, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống.

Một số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền thuế, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Qua đó, đã ảnh hưởng đến môi trường sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế của CQT.

Cơ quan chức năng đã nhận diện những hành vi vi phạm pháp luật điển hình của một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có động cơ, mục đích cố tình sử dụng hoá đơn điện tử bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế của ngân sách nhà nước như:

 Xuất khống;

 Mua bán hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi;

 Lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp,

 Kê khai không đúng, không đủ;

 Không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu;

 Hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và tổ chức khai thác tối đa cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) trong công tác quản lý thuế và quản lý hoá đơn điện tử nhằm phòng, chống và kiên quyết xử lý những hành vi cố tình vi phạm sử dụng hoá đơn điện tử bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.

Theo Báo Lao Động

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên