Là việc đăng ký độc quyền cho tên nhãn hàng, tên công ty,…nhằm đảm bảo sự độc tôn khi sử dụng tên nhãn hàng, thương hiệu đó trong bất kỳ sự kiện, chiến dịch nào trên thị trường Marketing.

Đăng ký bảo hộ thương hiệu là tên thương hiệu được pháp luật bảo vệ, được sử dụng đúng mục đích thương mại, được quảng bá thương hiệu và đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho công ty. Nếu có bất kỳ hành vi trục lợi, sẽ bị xử phạt theo quy định về quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu.

A. MẤT QUYỀN ĐĂNG KÝ THƯƠNG HIỆU

Căn cứ theo nguyên tắc nộp đơn được quy định tại Khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, văn bằng bảo hộ được cấp cho người nộp đơn hợp lệ và có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất. Theo đó, chủ sở hữu thương hiệu có thể mất quyền đăng ký thương hiệu của mình do người khác đăng ký trước theo nguyên tắc trên.

B. KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CẤM NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG THƯƠNG HIỆU

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về quyền ngăn cấm người khác sử dụng thương hiệu. Theo đó, nếu chủ sở hữu thương hiệu không được cấp văn bằng bảo hộ sẽ gặp khó khăn trong việc cấm người khác sử dụng thương hiệu của mình.

C. ẢNH HƯỞNG ĐẾN UY TÍN CỦA DOANH NGHIỆP

Để xây dựng và phát triển một thương hiệu trên thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều về tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, việc không đăng ký bảo hộ thương hiệu dẫn đến nguy cơ người khác sử dụng thương hiệu đó sản xuất ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

D. CƠ HỘI NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU

Khi sở hữu độc quyền thương hiệu, doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh, tăng doanh thu và lợi nhuận bằng hình thức nhượng quyền kinh doanh. Nếu bạn đang tin rằng mình sở hữu một nhãn hàng tiềm năng, hãy đăng ký bảo hộ.

Như vậy doanh nghiệp không nên vì những lợi ích nhỏ trước mắt của việc không đăng ký thương hiệu như: tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu thành lập doanh nghiệp; tiết kiệm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký thương hiệu để đánh đổi những rủi ro có thể xảy ra như đã nêu ở trên.

►Thủ tục thực hiện tại:  Cục Sở hữu trí tuệ

Các bước thực hiện:

I. Tra cứu sơ bộ

Trước khi nộp đơn đăng ký thương hiệu, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc tra cứu thông tin thương hiệu một cách chính xác. Việc này nhằm đánh giá được khả năng đăng ký thành công thương hiệu của doanh nghiệp, tức là thương hiệu mà doanh nghiệp dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với thương hiệu của một người nào khác đã đăng ký tại Việt Nam cho cùng loại sản phẩm hoặc dịch vụ tương tự hay chưa?

Ngoài ra, việc tiến hành tra cứu khả năng đăng ký thương hiệu còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi đăng ký và giảm thiểu rủi ro.

Doanh nghiệp có thể trực tiếp tra cứu thông tin về các thương hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:

  1. Thông báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;
  2. Danh bạ quốc gia và danh bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);
  3. Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên mạng Internet tại địa chỉ: tại đây

Quý khách hàng cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của một đại diện sở hữu công nghiệp.

II. Nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu

Sau khi thực hiện việc tra cứu sơ bộ, nếu kết quả cho thấy thương hiệu không trùng hoặc tương tự với thương hiệu của người khác đã được đăng ký thì doanh nghiệp nên nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu trong thời gian nhanh nhất để có ngày ưu tiên sớm. Hồ sơ này được nộp tại:

  • Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Hoặc tại các địa điểm tiếp nhận đơn khác do Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập.

Hồ sơ cũng có thể được gửi qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên. Cục Sở hữu trí tuệ không gửi trả lại các tài liệu đã nộp (trừ bản gốc tài liệu nộp để kiểm tra khi đối chiếu với bản sao).

►Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu:

Quy trình đăng ký thương hiệu gồm 3 bước cơ bản:

A. Thẩm định hình thức:   01 tháng từ ngày nhận đơn;

Đơn bị coi là có thiếu sót trong các trường hợp sau đây: 

  1. Đơn không đáp ứng các yêu cầu đối với đơn nêu tại điểm 7.2 của Thông tư Thông tư 01/2007/TT-BKHCN được sửa đổi vởi Khoản 7 Điều 1 của Thông tư 16/2016/TT-BKHCN (không đủ số lượng bản của một trong số các loại tài liệu bắt buộc phải có; đơn không thỏa mãn tính thống nhất; đơn không đáp ứng các yêu cầu về hình thức trình bày; đơn đăng ký thương hiệu không ghi rõ loại thương hiệu được đăng ký, thiếu phần mô tả thương hiệu; không phân loại sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu, hoặc phân loại không chính xác; thiếu bản dịch tài liệu hưởng quyền ưu tiên (nếu cần); thông tin về người nộp đơn tại các tài liệu không thống nhất với nhau hoặc bị tẩy xóa hoặc không được xác nhận theo đúng quy định...);
  2. Chưa nộp đủ lệ phí nộp đơn, phí công bố đơn, phí thẩm định đơn và phí tra cứu thông tin phục vụ thẩm định, trừ phí thẩm định nội dung đối với đơn đăng ký sáng chế nếu trong đơn không có yêu cầu thẩm định nội dung;
  3. Không có giấy ủy quyền hoặc giấy ủy quyền không hợp lệ (nếu đơn nộp thông qua đại diện).

B. Công bố đơn:   02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;

C. Thẩm định nội dung đơn:   Không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

⇒Lưu ý: Doanh nghiệp sau khi đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ được cấp giấy chứng nhận thương hiệu thì có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực. 

Văn bằng bảo hộ thương hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn. Hết hạn thì chủ sở hữu có thể gia hạn thêm, không giới hạn số lần gia hạn

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên