1. Tiền lương là gì?
Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả cho người lao động (NLĐ) theo thỏa thuận trên hợp đồng để thực hiện công việc, bao gồm lương, phụ cấp lương và các khoản trợ cấp bổ sung khác. 
NSDLĐ phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau.

2. NSDLĐ có bắt buộc tăng lương cho NLĐ hằng năm không?
Khoản 6 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chế độ nâng bậc, nâng lương: theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của NSDLĐ.
Tuy nhiên, Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, theo quy định nêu trên, NSDLĐ không bắt buộc hằng năm phải tăng lương cho NLĐ. Trừ trường hợp lương tối thiểu vùng tăng, NSDLĐ bắt buộc phải tăng lương cho NLĐ có mức lương theo mức lương tối thiểu vùng.

3. Không tăng lương cho NLĐ theo thỏa thuận bị xử lý thế nào?
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, NSDLĐ nếu không tăng lương cho NLĐ như đã thỏa thuận trước đó có thể sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động với mức phạt như sau:
  • Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;
  • Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
- Đồng thời, trong trường hợp NSDLĐ trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể:
  • Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;
  • Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;
  • Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 NLĐ trở lên.
Lưu ý: Mức phạt vi phạm hành chính nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc NSDLĐ trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ. 
4. Nguyên tắc trả lương
Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định NSDLĐ phải trả lương cho NLĐ theo các nguyên tắc sau:
  • NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
  • NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ; không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.
  • Tiền lương của NLĐ theo các hình thức trả lương quy định được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương khi chọn trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ.

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên