Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ về một số nội dung Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện 02 (hai) phương án nhận BHXH một lần thay vì ba phương án như đề xuất trước đó.

Chính phủ đồng thuận đưa ra Quốc hội hai phương án

► Phương án 1 được chia làm hai nhóm.

  • Nhóm 1: người lao động (NLĐ) đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

***Điểm mới:

Nếu NLĐ không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng thêm 05 quyền lợi: Chỉ cần đóng đủ BHXH 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng BHYT do quỹ đóng, hưởng BHYT do Nhà nước hỗ trợ, khi nghỉ việc được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng.

  • Nhóm 2: NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 01/01/2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án này tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, tức chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hoặc không có khả năng được hưởng lương hưu hằng tháng. Từ đó, giúp NLĐ thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng nhìn nhận phương án này sẽ tạo sự so sánh giữa những người tham gia BHXH trước và sau khi luật này có hiệu lực trong việc hưởng một lần.

"Nên sửa luật theo phương án 01 là phù hợp bởi hiện nay các nước trên thế giới không cho NLĐ rút BHXH một lần. Quỹ bảo hiểm về mặt lý thuyết là “rủi ro gì phòng ngừa nấy”, chẳng hạn mất việc làm hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp… nên việc cho rút BHXH một lần không đúng cả về lý thuyết và thực tiễn" - Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH, cho rằng.

 

► Phương án 2:  NLĐ được phép rút một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuấtthời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án này đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Dù số người rút một lần có thể không giảm nhiều nhưng khi NLĐ hưởng BHXH một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu thời gian còn lại.

Cạnh đó, NLĐ khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng, từ đó hưởng chế độ BHXH với quyền lợi cao hơn. Tích lũy quá trình đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

“Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của NLĐ trong thời điểm hiện tại, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống BHXH và quyền lợi lâu dài của NLĐ” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Tuy vậy, cơ quan soạn thảo cũng nhìn nhận phương án này chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo Luật BHXH và thông lệ quốc tế. NLĐ không được giải quyết hưởng BHXH một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng số người đề nghị hưởng BHXH một lần tăng trước khi luật có hiệu lực thi hành.

Chính phủ vừa có nghị quyết riêng về dự luật BHXH (sửa đổi), trong đó cho rằng quy định BHXH một lần “khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội” nên có thể đưa ra hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.

Trong đó, cơ quan soạn thảo cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích NLĐ tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Như vậy, trong ba phương án Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đã rút gọn thành hai phương án. Bỏ phương án giữ nguyên quy định hiện hành, tức NLĐ tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện được rút một lần.

Theo đó, Quốc hội sẽ lựa chọn một trong hai phương án nêu trên.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên