GIẢM BẬC THUẾ CẦN ĐI ĐÔI VỚI NÂNG MỨC THU NHẬP CHỊU THUẾ

Theo Luật Thuế TNCN hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm bảy bậc với mức thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35% tùy vào mức thu nhập tính thuế (1).

(1) Là thu nhập chịu thuế sau khi đã giảm trừ gia cảnh và trích đóng các loại bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ủng hộ đề xuất giảm bậc tính thuế vì biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hiện chưa hợp lý, quá nhiều bậc. Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày, thuế suất cao đang gây áp lực rất lớn cho người có thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh rằng việc giảm bậc thuế cần phải đi đôi với điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế TNCN thì mới giảm được gánh nặng cho người đóng thuế. 

Chuyên gia thuế Trần Xoa cũng đồng tình với đề xuất cần giảm số bậc lũy tiến xuống ít nhất có thể, chỉ ba đến năm bậc. Song song đó cần hạ thuế suất của các bậc để giảm áp lực cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền lương, bởi hiện mức thuế cao nhất lên tới 35%, cao gần gấp đôi với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính điều này khiến gánh nặng thuế TNCN đối với người làm công ăn lương ngày càng tăng cao.

CẦN NÂNG MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH, KHẤU TRỪ CHI PHÍ THIẾT YẾU

Dù dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất xem xét giảm bậc tính thuế nhưng lại cho rằng chưa cần thiết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh vào lúc này. Điều này có nghĩa dự thảo vẫn giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại không đồng tình với việc giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh vì không còn phù hợp với thực tế. 

Ông Đức Duy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) phân tích: Mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với bối cảnh mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay khi giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ đều đã tăng cao. Hơn nữa, người phụ thuộc không chỉ có chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mà còn học tập, chữa bệnh, trả lãi ngân hàng, v.v.

 “Vì vậy ngoài mức giảm trừ gia cảnh, cơ quan chức năng cần xem xét giảm trừ thêm các chi phí hợp lý khác như học phí cho con, tiền khám chữa bệnh hiểm nghèo, lãi vay mua căn nhà đầu tiên...” - ông Duy đề xuất.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa (chuyên gia thuế) cũng đề xuất việc thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh theo phương án tính mức giảm trừ theo lương tối thiểu vùng, ví dụ: có thể áp dụng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế gấp năm lần mức lương tối thiểu vùng và người phụ thuộc có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế.

“Hiện nay mức lương tối thiểu vùng 01 tại TP.HCM là 4.680.000 đồng/tháng. Nếu lấy lương tối thiểu vùng nhân hệ số 04 thì mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế vào khoảng 18,7 triệu đồng/người/tháng. Lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ tính sẽ hợp lý vì mức lương tối thiểu vùng tương ứng với từng khu vực tỉnh, thành, phù hợp với mức sống của người dân khu vực đó. Và Luật Thuế TNCN cũng không phải lo điều chỉnh mức giảm trừ” - ông Nghĩa phân tích.


 

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NĂM 2022 TĂNG CAO KỶ LỤC

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy thu ngân sách nhà nước đối với thuế TNCN năm 2022 cả nước hơn 166.700 tỉ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, thuế TNCN năm 2022 vượt so với mức dự toán đề ra đầu năm hơn 48.600 tỉ đồng.

Theo tính toán, đây là số thu thuế TNCN cao nhất từ 10 năm trở lại đây, tăng gấp 3,5 lần so với số thu năm 2013 - thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 04 triệu đồng/người/tháng lên 09 triệu đồng/người/tháng.

Đáng chú ý, số thu thuế TNCN hơn 50%, tương ứng gần 57.000 tỉ đồng, sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 09 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia đề nghị các bộ, ngành liên quan trình Quốc hội xem xét sửa Luật Thuế TNCN vào năm 2024 thay vì năm 2025 như đề xuất hiện nay của Bộ Tư pháp. Bởi Luật Thuế TNCN hiện có nhiều bất cập, lỗi thời, không sát với thực tế cuộc sống.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên