► Quy định về thủ tục ngưng hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) khi đã nộp hồ sơ
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 28/2015/TT- BLĐTBXH quy định như sau:
“Người lao động không có nhu cầu hưởng TCTN
Trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN nếu người lao động không có nhu cầu hưởng TCTN thì người lao động phải trực tiếp nộp đề nghị không hưởng TCTN theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm gửi lại hồ sơ đề nghị hưởng TCTN cho người lao động vào ngày trả kết quả theo phiếu hẹn trả kết quả.”
⇒ Như vậy, trường hợp người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN không quá 15 ngày và không còn nhu cầu hưởng TCTN thì có thể làm đơn đề nghị không hưởng TCTN. Khi đó, hồ sơ đề nghị nhận TCTN sẽ được Trung tâm dịch vụ việc làm trả lại theo thời gian trên phiếu hẹn trả kết quả.
► Khi không có nhu cầu hưởng TCTN thì thời gian đóng có được bảo lưu không?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH quuy định:
“Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được xác định như sau:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng TCTN”
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 45 Luật Việc làm 2013 quy định:
“Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng TCTN.
2. Sau khi chấm dứt hưởng TCTN, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động không được tính để hưởng TCTN cho lần tiếp theo. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo được tính lại từ đầu, trừ trường hợp chấm dứt hưởng TCTN theo quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 của Luật này.
3. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức.”
⇒ Như vậy, thời gian mà người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp vẫn được bảo lưu để làm căn cứ cho đợt hưởng TCTN tiếp theo.
► Khi đủ tuổi nghỉ hưu thì có được hưởng TCTN không?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013:
“Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng TCTN khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;”
⇒ Như vậy, khi được hưởng lương hưu thì người lao động sẽ không được hưởng TCTN. Do đó, sẽ có 2 trường hợp sau:
- Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không được hưởng lương hưu hàng tháng thì vẫn được hưởng TCTN.
- Người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì sẽ không được hưởng TCTN nữa.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Việc làm 2013;
- Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH.