Đối tượng nào phải đóng kinh phí công đoàn ?

Kinh phí công đoàn là nguồn tài trợ cho hoạt đông đoàn ở các cấp và theo pháp luật hiện hành, cụ thể tại Luật Công đoàn quy định, kinh phí công đoàn được trích theo tỷ lệ 2% trên tổng số tiền lương mà đơn vị sử dụng lao động phải trả cho người lao động (NLĐ), cụ thể như sau:

Khác với đoàn phí công đoàn - do NLĐ là đoàn viên tham gia tổ chức công đoàn có trách nhiệm đóng thì đối tượng đóng kinh phí công đoàn sẽ là người sử dụng lao động đóng, điều đó được quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn tài chính công đoàn và căn cứ tại Luật Công đoàn 2012, cụ thể:

Bất kể cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều phải đóng kinh phí công đoàn cho dù tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở. Tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đó bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
  • Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
  • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
  • Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Mức đóng kinh phí công đoàn bao nhiêu?

2% được tính trên tổng mức tiền lương của những NLĐ thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.


Đóng kinh phí công đoàn bằng phương thức nào?

Phương thức đóng kinh phí công đoàn phụ thuộc vào từng địa phương, có địa phương yêu cầu nộp trực tiếp, có địa phương cho phép chuyển khoản, đơn vị có thể liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được hướng dẫn cụ thể và mỗi tháng đóng 01 lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ.


Mức xử phạt vi phạm về đóng kinh phí công đoàn

Căn cứ theo Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn cụ thể như sau: 

- Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% trên tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  • Chậm đóng kinh phí công đoàn;
  • Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
  • Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. 

- Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ NLĐ thuộc đối tượng phải đóng.

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP;
  • Luật Công đoàn 2012;
  • Nghị định 191/2013/NĐ-CP.

 
 
 
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên