Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 91/2022/NĐ-CP sửa đổi NĐ 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến kê khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) như sau:
1. Bổ sung trường hợp người nộp thuế (NNT) không phải nộp hồ sơ khai thuế
Tại khoản 3 Điều 7 NĐ 126/2020/NĐ-CP quy định NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau:
- NNT chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
- Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.
- Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
- NNT tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 NĐ 126/2020/NĐ-CP.
- NNT nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 1 NĐ 91/2022/NĐ-CP bổ sung thêm một trường hợp NNT không phải nộp hồ sơ khai thuế sau:
“e. Người khai thuế thu nhập cá nhân là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nhận thu nhập.”
Đây là trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử theo quy định tại khoản 7 Điều 1 NĐ 91/2022/NĐ-CP:
“8. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.”
Cụ thể, tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử gồm:
- Tên người bán hàng;
- Mã số thuế hoặc số định danh cá nhân/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc;
- Doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn;
- Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau và bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố.
Theo đó, quy định tại khoản 3 Điều 1 NĐ 91/2022/NĐ-CP sửa đổi điểm b khoản 6 Điều 8 NĐ 126/2020/NĐ-CP về tạm nộp thuế TNDN như sau:
- Trước đó, tại NĐ 126/2020/NĐ-CP thì tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp NNT nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
- Sau điều chỉnh tại NĐ 91/2022/NĐ-CP thì tổng số thuế TNDN đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp NNT nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 04 đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
► Lưu ý về hiệu lực thi hành quy định tại Điều 2 NĐ 91/2022/NĐ-CP như sau:
“Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021 như sau:
a) Tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 không thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì không áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 04 quý tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này.
b) Tính đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 03 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 04 quý quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra đã tính tiền chậm nộp theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định số 12672020/NĐ-CP và khi áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 04 quý tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định này được giảm số tiền chậm nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm tiền chậm nộp theo Mẫu số 01/GTCN tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gửi cơ quan thuế nơi phát sinh tiền chậm nộp (là cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan thuế có hoạt động được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp). Sau khi điều chỉnh giảm mà có số tiền chậm nộp nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Chương VIII Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 91/2022/NĐ-CP;
- Nghị định 126/2020/NĐ-CP.