Không đóng hoặc trốn đóng (kể cả chậm đóng) bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
TP.HCM còn 717 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, tính đến ngày 31.1.2019, thành phố còn 717 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng và nợ từ 300 triệu đồng trở lên với tổng số tiền nợ là hơn 931 tỉ đồng. Trong số đó, có tới 25 đơn vị nợ với số tiền hơn 5 tỉ đồng. Đặc biệt có tới 8 đơn vị trong nhóm "đội sổ" với số tiền nợ hơn 10 tỉ đồng/đơn vị.
Cụ thể, nhóm 8 đơn vị nợ nhiều nhất gồm có: Công ty TNHH Nam Phương (địa chỉ ở H.Củ Chi) nợ hơn 28 tỉ đồng; Công ty CP Mai Linh Miền Nam (địa chỉ ở quận 1) nợ hơn 27,9 tỉ đồng; Công ty CP DV bưu chính viễn thông Sài Gòn (địa chỉ ở quận 1) nợ hơn 26,7 tỉ đồng; Công ty CP vận tải dầu khí Việt Nam (địa chỉ ở quận 3) nợ hơn 15 tỉ đồng; Công ty CP xây dựng công nghiệp (Descon, ở quận 1) nợ hơn 12 tỉ đồng; Công ty TNHH Vinh Thùy (địa chỉ ở quận 3) nợ hơn 11 tỉ đồng; Công ty TNHH J-TEX VINA (địa chỉ ở quận 9) nợ hơn 10 tỉ đồng; Công ty TNHH Chợ Lớn Taxi (địa chỉ ở quận 9) nợ hơn 10 tỉ đồng.
Việc không đóng (hoặc trốn đóng, kể cả chậm đóng) BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong các hành vi bị pháp luật BHXH, BHYT nghiêm cấm (điều 17, luật BHXH năm 2014; điều 9, luật Việc làm năm 2013 và điều 11, luật BHYT năm 2014).
Theo quy định của luật BHXH, luật BHYT thì cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cá nhân có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Từ ngày 1.1.2018, theo quy định của bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động.
Trường hợp nào bị xử lý hành chính?
Đối với vi phạm về BHXH, BHTN, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3, điều 26, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được sửa đổi bổ sung một số điều bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015) - sau đây gọi tắt là Nghị định số 95, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền.
- Với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
- Với mức từ 18% đến 20%, tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
- Đối với vi phạm về BHYT, theo quy định tại khoản 2, 3, 4, điều 57, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định 176), người sử dụng lao động bị phạt tiền với mức từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đóng BHYT không đủ số người có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động; hoặc bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT tương ứng cho toàn bộ số người lao động có trách nhiệm tham gia BHYT của người sử dụng lao động từ dưới 10 người lao động đến từ 1.000 người lao động trở lên; hoặc bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi đóng BHYT không đủ số tiền phải đóng tương ứng từ dưới 5.000.000 đồng đến từ 160.000.000 đồng trở lên.
Các mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc và BHXH, theo quy định tại điểm a, b, khoản 4, điều 26, Nghị định số 95: Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc và BHXH chưa đóng, chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc và BHXH chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
Đối với hành vi trốn đóng BHYT, theo quy định tại điểm b, c, khoản 5, điều 57, Nghị định 176: Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng tham gia BHYT đã phải tự chi trả trong khám bệnh, chữa bệnh (nếu có); buộc nộp số tiền phải đóng và lãi phát sinh của số tiền phải đóng hoặc số tiền chưa đóng, chậm đóng bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Khi nào thì bị xử lý hình sự ?
Theo quy định tại điều 216, bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp trốn đóng từ 50.000.000 đồng trở lên, hoặc trốn đóng từ 10 người trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.