1. Hoàn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là gì?

Căn cứ theo Luật Thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn, có thể hiểu, hoàn thuế TNCN là việc người nộp thuế (NNT) được hoàn trả lại phần tiền thuế TNCN đã nộp thừa khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp được hoàn thuế TNCN

Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế TNCN 2007 quy định cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau đây:

“…

Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;

Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;

Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

…”.

3. Điều kiện hoàn thuế TNCN

Để được hoàn thuế TNCN thì cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế (QTT).
  • Thuộc một trong các trường hợp được hoàn thuế nêu tại mục 2 bài viết này.
  • Có đề nghị hoàn thuế gửi cho cơ quan thuế theo đúng quy định và được chấp nhận.

Cụ thể, theo khoản 2, 3 Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về hoàn thuế như sau:

“2. Đối với cá nhân đã ủy quyền QTT cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân. Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả.

3. Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.”.

Như vậy,  NNT chỉ được hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả, cơ quan thuế không chủ động hoàn cho NNT; trường hợp không đề nghị hoàn thuế thì sẽ được bù trừ vào kỳ sau.

Lưu ý: 

  • Đối với cá nhân đã ủy quyền QTT cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
  • Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế thì có thể nhận lại số tiền thuế đóng thừa hoặc lựa chọn bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

4. Thủ tục hoàn thuế TNCN thực hiện thế nào?

Căn cứ theo Quyết đinh 1462/QĐ-BTC, thủ tục hoàn thuế TNCN đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thực hiện quyết toán cho các cá nhân có ủy quyền QTT như sau:

► Cách thức nộp hồ sơ

  • Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế; hoặc
  • Qua hệ thống bưu chính; hoặc
  • Qua giao dịch điện tử (Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN).

► Thành phần hồ sơ

  • Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa mẫu số 01/DNXLNT theo Phụ lục II - Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC;
  • Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp NNT không trực tiếp thực hiện thủ tục hoàn thuế, trừ trường hợp đại lý thuế nộp hồ sơ hoàn thuế theo hợp đồng đã ký giữa đại lý thuế và NNT;
  • Bảng kê chứng từ nộp thuế mẫu số 02-1/HT theo Phụ lục II - Mẫu biểu hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC.

► Thời hạn giải quyết

Theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý thuế 2019:

  • Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước: Chậm nhất 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
  • Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế: Chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật Thuế TNCN 2007;
  • Luật Quản lý Thuế 2019;
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC;
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC;
  • Quyết đinh 1462/QĐ-BTC.

Nhằm hỗ trợ Quý khách hiểu rõ hơn về nội dung bài viết trên, Quý khách hàng có thể liên lạc với ESOS để được tư vấn cụ thể và bám sát hơn với trường hợp cụ thể của Qúy khách.

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên