Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh và có thể thành lập chi nhánh tại trong nước và nước ngoài.
1. Quyền thành lập chi nhánh của Doanh nghiệp
Theo quy định tại điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quyền thành lập chi nhánh được thể hiện như sau:
“Điều 45. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; thông báo địa điểm kinh doanh
1. Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính.
2. Trường hợp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
a) Thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
b) Bản sao quyết định thành lập và bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
4. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp thông báo địa điểm kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Như vậy Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thành lập chi nhánh, tuy nhiên cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành như sau:
- Công ty có giấy phép kinh doanh được cấp theo quy định của pháp luật;
- Có người đứng đầu chi nhánh đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp;
- Trụ sở chi nhánh thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp;
- Có chứng chỉ hành nghề đối với ngành nghề kinh doanh chi nhánh yêu cầu chứng chỉ; có giấy xác nhận đủ điều kiện đối với chi nhánh kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
1. Điều kiện về tiếp cận thị trường.
Đây là điểm mới của Luật Đầu tư hiện hành so với Luật đầu tư cũ.
a) Nhà đầu tư nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định của luật Đầu tư.
b) Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
- Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường;
- Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện.
c) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3. Năng lực tài chính của cá nhân hay tổ chức đầu tư thể hiện ở số dư tài khoản ngân hàng đối với cá nhân hoặc báo cáo tài chính/ Số dư tài khoản của tổ chức vào những năm gần nhất.
4. Nhà đầu tư phải có địa điểm và mặt bằng để thực hiện dự án, có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đối với mặt bằng đó bằng Hợp đồng thuê nhà xưởng, văn phòng kèm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản với đất.
5. Giấy tờ chứng minh chủ thể nhà đầu tư: Hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân/ Giấy chứng nhận hoạt động nếu là tổ chức.
6. Nhà đầu tư thuộc đối tượng được phép đầu tư vào Việt Nam theo quy định về chính sách WTO và đầu tư những ngành nghề không bị cấm theo quy định của pháp luật.
3. Các hình thức thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
a) Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức nhà đầu tư góp vốn ngay từ đầu
Theo đó nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn ngay từ khi bắt đầu thành lập công ty tại Việt Nam, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài tùy lĩnh vực hoạt động có thể góp vốn từ 1% đến 100% vốn điều lệ công ty.
b) Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần
Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn vào công ty Việt Nam đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài tùy lĩnh vực hoạt động có thể góp vốn từ 1%-100% vốn vào công ty Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện thủ tục mua phần vốn góp, mua cổ phần của công ty Việt Nam. Sau đó, công ty Việt Nam trở thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
“ Điều 25. Hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
1. Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
2. Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này."
4. Thủ tục thành lập chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tục thành lập chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài
- Thời gian hoàn thành thủ tục thành lập chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài đối với các công ty kinh doanh ngành nghề không có điều kiện từ 04 - 06 ngày làm việc bao gồm thủ tục khắc con dấu.
- Đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh ngành nghề có điều kiện như y tế, giáo dục, bảo hiểm, du lịch, vận tải, thương mại,… thời gian thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh thông thường dao động từ 30 - 45 ngày làm việc vì cần thẩm tra xin ý kiến các bộ ban ngành, hoặc chấp thuận đủ điều kiện hoạt động liên quan. Riêng đối với chi nhánh hoạt động thương mại hàng hóa cần xin giấy phép thành lập cơ sở bản lẻ thứ nhất tại Sở Công thương.
Nơi tiếp nhận hồ sơ thành lập: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chi nhánh.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp 2020.