1. Có bắt buộc phải đăng ký nội quy lao động (NQLĐ)?

Theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 thì:

  • Nếu NSDLĐ sử dụng từ 10 người lao động (NLĐ) trở lên phải ban hành NQLĐ bằng văn bản.
  • Nếu NSDLĐ sử dụng dưới 10 NLĐ thì không bắt buộc ban hành NQLĐ bằng văn bản nhưng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong hợp đồng lao động.

2. Đăng ký NQLĐ ở đâu?

 Cơ quan đăng ký NQLĐ:

  • Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp tỉnh.
  • Hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp huyện (nếu cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh ủy quyền).

 3. Nội dung của NQLĐ bao gồm những gì?

Theo khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 thì nội dung NQLĐ không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. NQLĐ bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;
  • Trật tự tại nơi làm việc;
  • An toàn, vệ sinh lao động;
  • Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của NSDLĐ;
  • Trường hợp được tạm thời chuyển NLĐ làm việc khác so với hợp đồng lao động;
  • Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của NLĐ và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
  • Trách nhiệm vật chất;
  • Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

4. Thủ tục đăng ký NQLĐ

Theo khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 119 Bộ luật Lao động 2019 thì thủ tục đăng ký NQLĐ như sau:

- Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký NQLĐ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành NQLĐ. Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện bằng một trong ba cách sau: nộp hồ sơ qua cổng thông tin Dịch vụ công trực tuyến cơ quan chuyên môn về lao động; nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền; hoặc qua đường bưu điện, bao gồm:

  • Văn bản đề nghị đăng ký NQLĐ;
  • NQLĐ;
  • Văn bản góp ý của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở;
  • Các văn bản của NSDLĐ có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có).

- Bước 2: Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký NQLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận ngày, tháng, năm tiếp nhận hồ sơ đăng ký NQLĐ của NSDLĐ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký NQLĐ, nếu nội dung NQLĐ có quy định trái với pháp luật thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo, hướng dẫn NSDLĐ sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại.

Căn cứ điều kiện cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có thể ủy quyền cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc UBND cấp huyện thực hiện việc đăng ký NQLĐ.

- Bước 3: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập số đăng ký NQLĐ và thông báo kết quả đăng ký NQLĐ.


5. Mức phạt hành chính khi không đăng ký NQLĐ

Theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:

  • Không có NQLĐ bằng văn bản khi sử dụng từ 10 lao động trở lên;
  • Không đăng ký NQLĐ theo quy định của pháp luật;
  • Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở trước khi ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung NQLĐ;
  • Sử dụng NQLĐ chưa có hiệu lực hoặc đã hết hiệu lực;
  • Xử lý kỷ luật lao động, bồi thường thiệt hại không đúng trình tự; thủ tục; thời hiệu theo quy định của pháp luật;
  • Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
  • Trước khi đình chỉ công việc của NLĐ, NSDLĐ không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Lao động 45/2019/QH14;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên