Xuất nhầm do chưa xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc diện áp dụng mức thuế GTGT là 8% hay 10%?

Tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP, Chính phủ không quy định giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đồng loạt xuống 8% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ không thuộc diện được giảm thuế GTGT.

Do đó, doanh nghiệp (DN) phải tự xác định hàng hóa, dịch vụ trong danh mục đã ban hành. Tuy nhiên, nhiều DN đối mặt với khó khăn trong việc xác định có thuộc diện giảm thuế GTGT hay không?

Từ thực tế đó dẫn đến tình trạng nhiều DN đã xuất hóa đơn GTGT 10% nhưng sau đó mới phát hiện hàng hóa, dịch vụ của DN được giảm thuế còn 8%.

Cách xử lý khi xuất hóa đơn GTGT 10% cho hàng hóa được giảm thuế còn 8% ?

Vấn đề này được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, theo đó trong trường hợp DN, cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất 10% (mức chưa được giảm) thì:

  • Bước 1: Người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót.
  • Bước 2: Người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua.
  • Bước 3: Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).

Có bị xử phạt nếu được giảm thuế GTGT còn 8% nhưng vẫn xuất hóa đơn 10%?

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt liên quan đến việc DN thuộc diện được giảm thuế GTGT nhưng vẫn xuất hóa đơn theo mức thuế suất 10%. Tuy nhiên, chính sách giảm thuế GTGT là chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, Tổng cục Thuế vừa ra Công điện số 02/CĐ-TCT yêu cầu giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách này. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

  Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 15/2022/NĐ-CP

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên